MÔ TẢ SẢN PHẨM :
Eugénie Grandet - được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất và nổi tiếng nhất trong bộ Tấn trò đời của nhà văn Honoré de Balzac.
Eugénie Grandet kể về mối tình đầu bi thương, tan vỡ của Eugénie – một thiếu nữ đức hạnh và xinh đẹp.
Eugénie sinh ra trong một gia đình có ông bố giàu nứt đố đổ vách, vang danh khắp vùng trồng nho nổi tiếng Saumur của nước Pháp - ông Grandet. Dù sở hữu một đống vàng nhưng cuộc sống của cha con Eugénie Grandet hết sức nghèo túng bởi thói ti tiện, keo kiệt, cân đong đo đếm từng lát bánh mì, từng viên đường của ông bố. Ngược lại, người con gái, nàng Eugénie lại là một cô gái trong sáng, lãng mạn, dường như không hề biết đến sự tồn tại của vàng, hay nàng chưa từng có niềm đam mê về vật chất.
Cuộc đời của nàng Eugénie quanh quẩn với cuộc sống tỉnh lẻ nhàm chán, với những gương mặt cầu hôn cũ rích..., và rồi bừng sáng khi người em họ Charles từ Paris xuất hiện. Mối tình của họ nảy nở thật tinh khôi giữa cảnh sống nghèo nàn trong ngôi nhà của lão Grandet. Cả hai cùng trao nhau những kỷ vật và những lời hứa hẹn yêu đương trước khi Charles đi xa làm ăn ở vùng đất mới.
Nhưng khi Charles trở về sau cuộc bôn ba để kiếm tiền, anh ta đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Charles quên ngay mối tình với “người chị họ nghèo khó đáng thương” để lấy một tiểu thư quý tộc có tiếng nhưng thiếu tiền.
Nàng Eugénie sau 7 năm chờ đợi người yêu với những kỷ niệm tình yêu trong khu vườn có chiếc ghế gỗ dài be bé mà hai người đã thề thốt yêu nhau đến trọn đời thì nàng biết mình đã bị phản bội.
Thừa kế một tài sản đồ sộ nhưng lại bị người yêu phản bội, điều gì sẽ xảy đến với nàng tiếp theo?
Mời các bạn tìm đọc cuốn tiểu thuyết Eugénie Grandet của nhà văn Honoré de Balzac.
Eugénie Grandet của nhà văn Honoré de Balzac đã khắc hoạ rõ nét hình ảnh tiêu biểu của giới tư sản Pháp thế kỷ 19, với sự tha hóa nhân cách trước cám dỗ của đồng tiền. Mặc dù cuốn tiểu thuyết nói về xã hội cũ nhưng vẫn mang đầy hơi thở của cuộc sống hôm nay vì nó phản ánh chân thực bản chất trần trụi của mọi mối quan hệ lấy tiền làm gốc chi phối một xã hội giả dối, ô trọc, và sự suy đồi của đạo đức.