Tiến sĩ Maria Montessori là một sứ giả của thiên nhiên thông qua việc không ngừng hình dung và mở ra những hướng đi mới trong sự phát triển của trẻ em, nhằm giúp trẻ học hỏi thông qua những kinh nghiệm bổ ích. Trong và sau Thế chiến Thứ hai, đặc biệt khi bị bắt giam tại miền Nam Ấn Độ từ năm 1939 đến năm 1946, tiến sĩ Montessori luôn trăn trở với những câu hỏi về hòa bình và thông qua đó đã mang lại cho thời đại một khía cạnh xây dựng hoàn toàn mới. Thay vì nhìn vào đó bằng góc nhìn tiêu cực, bà đã tiên đoán được nó như một “sự sáng tạo”, một “công việc cần thực hiện” bởi cả cá nhân và cộng đồng.
Trong sự tiếp cận của bà đối với giáo dục, mục đích căn bản theo bà là lan tỏa sự cân bằng và hòa bình trên thế giới bằng cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, “tìm kiếm và thúc đẩy sự phát tiết của tiềm năng con người”. Trong tác phẩm Education for a New World (1947), bà đã thừa nhận rằng trẻ em “được ban cho một quyền năng nội tại có thể dẫn lối chúng ta đến tương lai tươi sáng hơn” và tin tưởng tuyệt đối rằng vấn đề hòa bình thế giới chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta bắt đầu từ thế hệ trẻ. “Hòa bình nhân loại không thể đạt được chỉ bằng việc cố gắng kết nối những người lớn, nhưng có thể bắt đầu từ trẻ em, những người được sinh ra mà không có định kiến. Trẻ em, tiền đề của người lớn, có khả năng tạo nên những điều vĩ đại và xây dựng nhân loại tốt đẹp hơn”. Tầm nhìn sau cùng của bà là sự đổi mới và phát triển về tâm hồn của nhân loại thông qua nuôi dạy trẻ em.
Sau một cuộc đời cống hiến cho việc nghiên cứu phần tâm linh mà bà gọi là “đời sống tinh thần” được định nghĩa là các phẩm chất cơ bản của con người vốn có, Maria Montessori đã đào sâu tìm kiếm cho những giải pháp tạo dựng hòa bình, và những câu trả lời bà tìm được luôn nằm ở trẻ em, đối tượng nghiên cứu của bà: “Trẻ em, những người có tình yêu thương mạnh mẽ với những điều xung quanh các em và với tất cả sinh vật sống, những người đã tìm ra được niềm vui và động lực trong công việc, cho chúng ta quyền được hy vọng… hy vọng vào hòa bình trong tương lai” như bà đã viết trong tác phẩm Education and Peace.
Thông qua nhiều quan sát thực tế có hệ thống, bà đã phát hiện rằng việc tiếp xúc với môi trường tình cảm xung quanh giúp trẻ em phát triển những mối quan hệ bền vững, qua đó tạo ra tiềm năng to lớn để truyền đạt cảm giác tự tin và tự trọng, bởi việc tự nhận ra tình yêu và lòng trắc ẩn có trong bản thân sẽ giúp ta nâng cao sự tin tưởng vào bản thân.
Lập luận của Maria Montessori bắt nguồn từ việc mở ra một “Cửa sổ cơ hội” cho giáo dục hòa bình bằng việc chỉ đưa ra những thứ tốt đẹp cho trẻ em, những nhận xét tích cực đối với trẻ em như lựa chọn duy nhất để giáo dục trẻ. Nếu trẻ được cô giáo hay bố mẹ trân trọng, yêu thương thì sẽ có xu hướng trở thành những biết yêu thương bản thân và những sinh vật sống trên hành tinh.