GIỚI THIỆU SÁCH
Tào Tháo là một tên tuổi trong lịch sử Trung Quốc, là người không chỉ tài giỏi trong lĩnh vực chính trị, quân sự và còn có tài thơ ca. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Alpha Books xin giới thiệu đến độc giả bộ tiểu thuyết đầy đủ nhất, sống động nhất, mới mẻ nhất về cuộc đời của Tào Tháo - Thánh nhân đê tiện. Sách sẽ ra mắt độc giả trong quý I năm 2014.
Tào Tháo tự Mạnh Đức là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Hoa, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Là người có công lớn trong việc dẹp loạn khăn vàng và Đổng Trác. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Tào Tháo còn là một nhà thơ xuất sắc. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.
Bộ tiểu thuyết gồm 10 tập này là một bức tranh đầy đủ và toàn diện nhất về cuộc đời và con người của Tào Tháo. Ngay khi được xuất bản ở Trung Quốc bộ sách đã được độc giả đón nhận nhiệt liệt.
Trong tập đầu của bộ tiểu thuyết Tào Tháo - Thánh nhân đê tiện, độc giả sẽ ngược dòng lịch sử, trở lại mấy ngàn năm trước, kể từ khi Tào Tháo chào đời tại huyện Tiều, nước Bái. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có, từ bé là người thông minh, ít để ý đến những thứ nhỏ nhặt, tính tình phóng đãng nhưng rất ham đọc sách, đặc biệt là binh thư, là người có quyền biến, nhiều mưu mẹo.
Chuyện kể rằng: Có lần thúc phụ thấy Tào Tháo láu cá như thế liền mách với Tào Tung. Tào Tháo biết vậy liền nghĩ cách, giả bị trúng gió ngã lăn ra. Thúc phụ chạy đi gọi Tào Tung, nhưng khi thấy cha đến thì Tào Tháo lại tươi tỉnh như bình thường. Tào Tung hỏi nguyên do, Tào Tháo nói rằng:
Vì thúc không thích hài nhi nên bày đặt điều xấu thôi
Do đó Tào Tung không tin lời người thúc mách tội của Tào Tháo nữa.Về điểm này, Mao Tôn Cương khi bình Tam Quốc Diễn Nghĩa cho rằng Tào Tháo “từ nhỏ đã gian xảo cơ mưu”, còn Nguyễn Tử Quang trong Tam Quốc bình giảng lại cho rằng: khuyết điểm cũng do vị thúc của Tào Tháo vốn có thành kiến không tốt và ít tình cảm với cháu; nếu thấy cháu ngã mà thúc bế ngay lên vào nhà gặp cha thì Tào Tháo không có cách gì lừa cha dối thúc được.
Khi lớn, Tào Tháo vẫn thích chơi bời, khác hẳn với những sĩ phu trọng danh tiết, tuy vậy vẫn có những người kính trọng ông như Kiều Huyền, Hứa Tử Tương. Hứa Tử Tương đánh giá Tào Tháo là năng thần thời trị và gian hùng thời loạn.
Hình ảnh Tào Tháo được thể hiện trong bộ sách là người có hai mặt khác nhau. Qua mỗi sự kiện, Tào Tháo thể hiện là một người đê hèn, gian xảo trong suy nghĩ và hiểm độc khi thu phục quần hùng tam quốc.
Bên cạnh đó, ông lại là một bậc thánh nhân giàu tình cảm, thương yêu dân chúng và đau đáu cho nỗi lo của thiên hạ.