Trang chủ Liên hệ

Tái Cấu Trúc Hệ Thống Tài Chính Ở Việt Nam

113.000₫ Giá thị trường: 119.000₫ Tiết kiệm: 6.000₫
Mua ngay

 

MÔ TẢ SẢN PHẨM :

Sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2008, kinh tế vĩ mô trong nước rơi vào suy thoái và có nhiều biểu hiện bất ổn kéo dài, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu mang tính hệ thống, trong đó rõ nhất là năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ba trọng tâm tái cấu trúc nền kinh tế được Chính phủ xác định gồm:

(i)  Tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công;

(ii) Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty;

(iii) Tái cấu trúc hệ thống tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong ba trọng tâm nói trên, tái cấu trúc hệ thống tài chính được xác định là rất khó khăn, bởi các vấn đề tồn tại, hạn chế của cả khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) và khu vực ngân sách nhà nước đã kéo dài. Việc xử lý tái cấu trúc cả hai khu vực này là vô cùng nhạy cảm, tác động chi phối cả ba nhiệm vụ cơ bản của tái cấu trúc kinh tế bao gồm: (i) Ổn định hóa nền kinh tế; (ii) Cải cách quan hệ Nhà nước - thị trường nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh; và (iii) Hiện đại hóa cấu trúc nền kinh tế.

Vượt lên những khó khăn đó, kết quả tái cấu trúc hệ thống tài chính trong giai đoạn đầu rất đáng khích lệ. Các TCTD cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ  đã được giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại, triển khai xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, bảo đảm an toàn hệ thống. Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Quy mô thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán giữ được đà tăng trưởng. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và trong lĩnh vực ngân hàng được tăng cường, cải thiện mức độ lành mạnh và an toàn của môi trường kinh doanh. Hệ thống các TCTD vừa thực hiện tái cấu trúc, vừa đảm bảo tiếp tục tăng trưởng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9% năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015, nhờ đó tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm khá mạnh, tổng huy động vốn từ nền kinh tế của hệ thống các TCTD tăng cho thấy niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống tài chính còn nhiều hạn chế như sự thay đổi về cấu trúc thị trường tài chính diễn ra chậm chạp, việc huy động và phân bổ vốn đầu tư trung và dài hạn vẫn dựa đáng kể vào hệ thống NHTM, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế. Quy mô thị trường chứng khoán tuy đã có sự tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa trở thành kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng nhất cho khu vực doanh nghiệp. Các thể chế thị trường vốn chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt chưa có các đơn vị định mức tín nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các TCTD chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng nhiều rủi ro; chưa xử lý dứt điểm một số NHTM hoạt động rất yếu kém, có dấu hiệu phá sản. Do đó, rủi ro toàn hệ thống và rủi ro từng TCTD còn rất lớn.

Về những hạn chế của tái cấu trúc chi tiêu ngân sách, có thể thấy quy mô chi tiêu của Nhà nước còn lớn, chưa được kiểm soát một cách hữu hiệu, liên tục tăng nhanh và có nguy cơ vượt quá năng lực hiện tại của nền kinh tế, hạn chế tiềm năng đầu tư phát triển của đất nước. Cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công vẫn tăng nhanh và gần đạt trần 65% GDP, nợ Chính phủ vượt trần 50% GDP, tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm mạnh chỉ còn 15,2% trong tổng chi ngân sách năm 2015 , ảnh hưởng đến quy mô đầu tư công cho các lĩnh vực cần thiết để thúc đẩy tăng năng suất lao động như cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, công nghệ.

Trong bối cảnh đó, các kết quả nghiên cứu trong cuốn sách chuyên khảo “Tái cấu trúc hệ thống tài chính ở Việt Nam” đã giúp nhận diện rõ các vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính sau khủng hoảng, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị chính sách để tiếp tục thực hiện tái cấu trúc hệ thống tài chính một cách hiệu quả, phù hợp hơn với bối cảnh mới của nền kinh tế trong nước và thế giới.