Trang chủ Liên hệ

Thiên Nhiên Trong Kiến Trúc Nhà Ở Truyền Thống Việt

70.000₫ Giá thị trường: 78.000₫ Tiết kiệm: 8.000₫
Mua ngay

 

 

MÔ TẢ SẢN PHẨM :

Con người là một phần không thể tách rời khỏi thiên nhiên, sống trong thiên nhiên, dựa nhờ cộng sinh với thiên nhiên. Hành động trong sự nhận thức từ trí tuệ trở thành ứng xử, sự tiến hóa của văn minh, trở thành văn hóa ứng xử với thiên nhiên. Trong lĩnh vực văn hóa vật thể, việc kiến thiết các kiến trúc nhà ở truyền thống là nhằm mục đích tự bảo vệ, đồng thời thể hiện thái độ, nhận thức và hành vi của con người trước thiên nhiên, tạo nên nếp văn hóa ứng xử gắn với tập quán tín ngưỡng, thị hiếu của mỗi dân tộc và trở thành giá trị nhân văn trong tiến trình xã hội tự hoàn thiện mình. Văn hóa ứng xử với thiên nhiên qua kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt là hệ giá trị trong tổng thể các hệ giá trị văn hóa của người Việt.

Chính sự dị biệt về văn hóa ứng xử với thiên nhiên (khí hậu, địa hình địa mạo…) tại các địa phương khác nhau trên hành tinh trong cách tổ chức ăn ở và mưu sinh đã làm nảy sinh ra các nền văn minh, văn hóa khác nhau. Làm bộc lộ những đặc thù văn hóa ấy là công việc khoa học thường xuyên của các nhà nghiên cứu. Nó góp phần giúp cho mỗi quốc gia và mỗi dân tộc có thể hiểu rõ chính mình, hiểu rõ giá trị văn hóa mà dân tộc ấy từng dày công xây đắp qua suốt quá trình lịch sử.

Trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam, cha ông ta đã dựa vào thiên nhiên để sinh tồn, tạo dựng được một quốc gia độc lập và một nền văn minh như ngày nay. Tìm hiểu để kế thừa và phát triển những kinh nghiệm từ truyền thống kiến trúc với thiên nhiên là một hướng nghĩ, một đòi hỏi mà xã hội ngày nay đang đặt ra, khi đất nước ta đang triển khai chương trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh chóng của đất nước đang đe dọa xói mòn và chối bỏ một số giá trị văn hóa truyền thống. Công cuộc kiến thiết đô thị và nông thôn, đang hướng đến việc thiết lập những môi trường sống hiện đại phù hợp với thực tế Việt Nam nói chung, với không gian cư trú cho mỗi gia đình nói riêng, góp phần thúc đẩy nền kiến trúc nước nhà phát triển theo các xu hướng của thời đại: kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và khí hậu biến đổi khôn lường.

Học giả Philippe Papin trong sách Việt Nam, cuộc hành trình một dân tộc đã nhận xét: “Việt Nam thiện xảo bậc thầy trong nghệ thuật dung hóa, hòa đồng và hội nhập tất cả những gì đã áp đặt trên dân tộc này qua bao thời kỳ khác nhau. Tiếp cận những vấn đề khác nhau này dưới góc độ văn hóa - lịch sử là cách thức duy nhất giúp ta thấu hiểu những động lực tiềm tàng về sự độc đáo của dân tộc Việt”.

 Qua cuốn sách này tác giả đã đi tìm các đặc trưng trong ứng xử với thiên nhiên qua kiến trúc nhà ở truyền thống, giải pháp trong ứng xử với thiên nhiên (tự nhiên và nhân tạo) của cư dân ba miền về các phương diện công năng sử dụng, tạo hình kiến trúc, hiệu quả thẩm mỹ, yếu tố tinh thần, tâm linh… nhận diện những đặc trưng về khai thác, ứng phó và thích ứng với thiên nhiên và điều kiện tự nhiên thể hiện trong không gian ở của người Việt tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Qua đó làm nổi bật những giá trị văn hóa hàm chứa bên trong cách ứng xử ấy.

Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo về lĩnh vực trùng tu di tích nhà cổ, xây dựng các ngôi nhà thuần Việt cũng như tài liệu dành cho sinh viên các trường kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật… trong học tập.

Nội dung nghiên cứu ứng xử với thiên nhiên trong phạm vi nhỏ nhất - khuôn viên cư trú gia đình người Việt (dân tộc Kinh) truyền thống, trên địa bàn nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng vùng duyên hải Trung bộ và đồng bằng Nam Bộ (không đề cập đến không gian ở và kiến trúc các dân tộc thiểu số). Về thời gian, chủ yếu xem xét nhà ở truyền thống hiện hữu từ nửa cuối cuối thế kỷ XIX, được xây dựng khoảng 100 năm. Đây là giai đoạn còn lưu giữ được khá nhiều kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc, cũng là giai đoạn phản ánh sâu sắc cách thức ứng xử với thiên nhiên trong không gian cư trú.